Cách nói

Cách nóiBạn chú ý nghe giọng nói một người mà bạn cho là hay rồi so sánh với giọng nói của mình để tìm khuyết điểm mà sửa chữa, cần là giọng phải êm, không khô khan, không gằn giọng và cũng đừng the thé. Đừng nói quá lớn nhưng cũng đừng quá nhỏ. Đừng quá chậm làm người nghe nóng ruột nhưng cũng đừng quá nhanh để người đối thoại nghe không kịp và luôn luôn phải giữ vẻ tự nhiên. Lời nói cũng như vẻ mặt, diễn tả tâm trạng, ý nghĩ của mình cho nên phải tùy trường hợp mà áp dụng. Thật không còn gì bực mình cho người nghe khi ta thủ thỉ bằng một giọng trầm như tâm sự một câu nói rất vô duyên : “Hôm nay trời nóng quá !” Hoặc trái lại cất cao giọng mà nói lớn : “Tôi yêu cô lắm !”.
Tắt tiếng
Muốn cho giọng tốt cần nhất là phải tập thở cho điều hòa, nhất là những người xúc động, thường hay mất tiếng, có thể tập đọc lớn những bài thơ, hát. Những người nói hay vấp nên tập đọc hàng ngày những câu nói khó, mỗi ngày một nhanh dần như : “nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch” hoặc “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao, năm ông v.v…” Nếu khan tiếng nhất thời có thể ngậm kẹo bạc hà hoặc chữa mẹo bằng cách hơ con dao sạch lên than đỏ rồi vắt nước chanh cho chảy qua con dao đó xuống một cái chén. Dùng nước đó ngậm sẽ trong giọng. Đành rằng giọng nói là do thiên phú nhưng nếu ta cố gắng kiên nhẫn luyện tập ta cũng có thể sửa chữa được một đôi phần. Đôi khi giọng nói cũng chịu ảnh hưởng của các bệnh về cổ họng, về mũi; trường hợp này nên đến bác sĩ Tai – Mũi – Họng xin chữa trị.
Nói ngọng
Ở một số người lưỡi quá lớn hoặc quá ngắn nên không phát âm được rõ ràng thành ra nói ngọng. Trường hợp này vô phương chữa trị. Phần đông những người nói ngọng không có nguyên do của tật bẩm sinh mà chỉ là sự bắt chước, vì thế mỗi vùng nói ngọng khác nhau. Gặp trường hợp này phải tập đọc lớn tiếng, tập hát để phát âm cho thật đúng, đặc biệt những người ở miền Bắc thường đọc chữ “tr” thành “t” hoặc “tr” thành “ch” có thể tập đọc câu sau đây thật chậm rồi nhanh dần : “Con trâu trắng buộc ngoài bụi tre trơ trụi, ăn no bụng tròn to bằng cái trống treo”. Những người hay lầm lẫn chữ “n” và “l” có thể tập đọc câu sau đây : “Ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình, ông gặp ông Nang; ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng, ông gặp ông Ninh” v.v… Nên kiên nhẫn tập luyện vì nếu phát âm sai người đối thoại sẽ cho mình là kẻ quê kệch.

You may also like...